Top 11 ngôi chùa đẹp ở Sài Gòn khi nhìn từ trên cao

Chùa ở Sài Gòn - Tu viện Khánh An
Chùa ở Sài Gòn – Tu viện Khánh An
Sài Gòn có rất nhiều ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó nhiều nơi đã quá quen thuộc với mọi người nhưng cũng có những nơi vô cùng lạ lẫm.

Dưới đây sẽ là danh sách những ngôi chùa đẹp ở Sài Gòn mình chọn ra dựa trên vẻ đẹp khi nhìn từ trên cao.

1. Tu viện Khánh An

Tuy được xây dựng không lâu nhưng phải nói đây là một ngôi chùa khá độc đáo vì mang trong mình kiến trúc đậm chất Nhật Bản.

Những vòm mái ngói lưu ly mang màu nâu đậm là điểm đặc trưng khi nhìn tổng thể Tu viện từ xa.

Khuôn viên Tu viện bao gồm hai công trình lớn có đôi chút khác nhau về màu sắc nhưng vẫn tương đồng về kiến trúc.

Những hoạ tiết đơn giản bằng gỗ kết hợp với cách phối màu tinh tế đã tạo nên nét đẹp rất riêng cho Tu viện Khánh An, thứ mà khó có thể tìm được ở một số công trình chùa mới xây gần đây.

Phía sau khuôn viên hiện tại còn rất nhiều đất trống, hy vọng là nhà chùa sẽ tiếp tục có thêm một công trình độc đáo khác. Điểm trừ lớn nhất của Tu viện Khánh An có lẽ là đường dây điện cao thế cắt ngang, nhưng chắc sớm được di dời vì xung quanh đây là khu dân cư đông đúc.

2. Chùa Phước Hải

Chùa Phước Hải hay còn gọi là chùa Ngọc Hoàng. Nơi khá nổi tiếng là linh thiêng để cầu con cái, làm ăn và bình an. Đây cũng là nơi Cựu tổng thống Mỹ – Obama từng ghé thăm khi đến Việt Nam.

Chùa mang một màu đỏ đặc trưng với lối kiến trúc Trung Hoa, trang trí hoạ tiết cầu kỳ. Được xây dựng từ khá lâu nên một số mảng tường, ngoại thất có dấu hiệu xuống cấp.

Nhìn từ trên cao, chùa Ngọc Hoàng nằm gói gọn xung quanh những ngôi nhà phố liền kề và chung cư cao tầng.

Chùa Phước Hải không có tháp, chỉ có một toà chánh điện duy nhất với kết cấu giật tầng, khoảng sân rộng lớn trồng rất nhiều cây xanh.

3. Việt Nam Quốc Tự

Ngôi chùa có khuôn viên khá rộng giữa lòng Sài Gòn, được mở rộng và cải tạo xây dựng gần đây nên khoác lên mình một bộ áo rất mới.

Việt Nam Quốc Tự có toà tháp cao 63 mét gồm 13 tầng.

Bên cạnh đó là chánh điện hình chữ H rộng lớn.

Sau khi khánh thành toà tháp mới năm 2017, chùa này được chọn là nơi lưu giữ xá lợi của Hòa thượng Thích Quảng Đức.

4. Chùa Bửu Long

Chùa Bửu Long còn được gọi là chùa Thái Lan vì có kiến trúc hao hao giống các ngôi chùa ở Thái Lan.

default

Tuy cách trung tâm thành phố gần 20km nhưng được nhiều cư dân mạng biết đến như là một nơi check-in rất nổi tiếng.

default

Điểm nổi bật nhất của chùa Bửu Long chính là toà chánh điện hình khối vuông đối xứng với nhiều đỉnh tháp được phủ màu vàng rực rỡ.

Các bức tường xung quanh được sơn một màu trắng rất tao nhã. Chùa nằm khá gần sông Đồng Nai, thuộc địa phận Quận 9. Phía trước chùa có hồ nước hình bán nguyệt rất đặc trưng.

default

5. Chùa Bà Thiên Hậu

Ngôi chùa hơn 250 năm tuổi này khá nổi tiếng không chỉ với cộng đồng người Hoa mà còn là di tích lịch sử thu hút khách du lịch nước ngoài.

Ngôi chùa khoác lên mình một màu rêu phong thời gian, các hoạ tiết trang trí bên ngoài không còn được nguyên vẹn nhưng vẫn mang một nét đẹp thuần khiết của kiến trúc Á đông xưa.

Nhìn từ trên xuống ta sẽ thấy một giếng trời rất lớn. Hai bên là hành lang có mái che nối liền hai phần chính của công trình.

Điểm độc đáo nhất có lẽ là những bức phù điêu bằng gốm dày đặc từ trên nóc chùa, mái và hiên.

6. Chùa Pháp Hoa

Một ngôi chùa không quá lớn, nhưng vị trí sát bờ kênh Nhiêu Lộc khiến cho chùa Pháp Hoa trở nên rất hữu tình.

Hàng năm, vào dịp lễ Vu Lan nơi này thường tổ chức lễ đăng đèn hoa trên bờ sông, có năm rất nhiều đèn hoa đăng được thả trôi bồng bềnh cả một đoạn sông dài.

Chùa nằm sát cầu Lê Văn Sĩ, xung quanh trồng nhiều cây xanh. Những mái ngói màu vàng ươm, kiểu ngói vảy cá cho một ngôi chùa sát bên dòng sông thì không thể phù hợp hơn.

7. Chùa Huê Nghiêm

Chùa Huê Nghiêm nằm ở Quận 2, từng là nơi sản xuất lúa gạo cho Tổ đình Huê Nghiêm ở Thủ Đức.

Kiến trúc của chùa Huê Nghiêm là sự giao thoa giữ kiến trúc truyền thống ở miền Bắc và kiến trúc Nhật Bản. Mái chùa có nhiều tầng nhưng không vuốt cong và được lợp ngói âm dương.

Xung quanh chùa là những toà chung cư cao tầng đang mọc lên, trong tương lai nơi đây sẽ là khu dân cư đông đúc nên hy vọng chùa sẽ là một nơi sinh hoạt tâm linh cũng như tạo sự cân bằng cho cảnh quan của khu vực.

8. Chùa Giác Lâm

Đây được coi là ngôi chùa lâu đời nhất đất Sài Gòn. Xây dựng năm 1744 và là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông.

Nhìn từ trên cao chỉ thấy thấp thoáng chánh điện do có quá nhiều cây xanh cổ thụ trong khuôn viên chùa.

Toà bảo tháp xá lợi gồm 7 tầng hình lục giác. Được khởi công xây dựng từ năm 1970.

Nghe nói hiện tại trong chùa có rất nhiều cổ vật lâu đời có giá trị lịch sử và văn hoá.

9. Nam Thiên Nhất Trụ

Chúng ta ai cũng biết ở Hà Nội có ngôi chùa Một Cột rất nổi tiếng. Và ở Sài Gòn cũng có một ngôi chùa gần gần giống như vậy.

Điểm khác biệt của chùa là có một công trình một cột nằm giữa hồ nước trung tâm khuôn viên.

Nhìn từ trên xuống chúng ta sẽ thấy thật ra chánh điện là toà nhà phía sau chứ không phải công trình có một cột giữa hồ.

Tuy nhiên đây vẫn là điểm nhấn rất đặc trưng của chùa. Có cả một chiếc xuồng màu xanh chắc để dành cho những phật tử nào muốn check-in sống ảo.

10. Chùa Long Bửu

Ngôi chùa nhỏ nhắn nằm giữa trung tâm Quận 4, gói gém trong khuôn viên hẹp nhưng là một công trình kiến trúc đầy đủ cả chánh điện và tháp xá lợi.

Sở dĩ mình cho ngôi chùa này vào danh sách là vì kiến trúc của ngọn tháp quá đẹp, mái ngói âm dương màu xanh kết hợp với sắc đỏ thẫm vô cùng nổi bật. Các chi tiết trang trí ngoại thất cũng rất kỳ công.

Hiếm có ngôi chùa nào ở Sài Gòn có một bảo tháp mình thấy ưng mắt đến như vậy.

Thật sự là chỉ có tận mắt nhìn mới thấy được từng chi tiết tinh tế của ngọn tháp này.

11. Pháp viện Minh Đăng Quang

Cuối cùng là ngôi chùa có quy mô đồ sộ toạ lạc tại Quận 2. Trong khuôn viên rộng 37.000m2 là một quần thể kiến trúc với 4 toà tháp lớn và chánh điện trung tâm.

Nơi đây, ngoài chức năng như một ngôi chùa, còn đào tạo Phật pháp cho các tăng lữ, Phật tử nên được gọi là Pháp viện.

Ngôi chùa được thành lập từ năm 1968 thuộc Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập, ban đầu chỉ là một chánh điện nhỏ, xung quanh là đồng cỏ hoang sơ.

Để lưu giữ lại dấu tích lịch sử, hiện tại khu chánh điện cũ vẫn còn được giữ lại.

Nối giữa các toà tháp là dãy hành lang 2 tầng để cho phật tử thiền hành. Hiện nay Pháp viện Minh Đăng Quang toạ lạc bên trong một khu đô thị sầm uất và sang trọng của Quận 2, hứa hẹn sẽ là một công trình kiến trúc đẹp cho nơi này theo thời gian.

Chân thành cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết!
Tất cả hình ảnh mình có thể tặng cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào sử dụng với mục đích phi thương mại.

0 Shares: